Thương hiệu tập thể

Không chỉ đơn thuần là khuyếch trương sản phẩm, tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mà trước mắt và quan trọng hơn là việc bảo vệ thương hiệu cho thủy sản Việt Nam.

Việt Nam được ghi nhận là một điểm sáng trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Sự gia tăng, mở rộng thị trường nhập khẩu là minh chứng rõ nhất về chất lượng của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm không thể tránh khỏi sự cố bị kiện “chống bán phá giá”. Từ tôm, cá tra, cá ba sa của Việt Nam bị kiện đã như một “cơ hội” lớn cho việc khuếch trương hình ảnh thương hiệu thủy sản Việt Nam và cũng là lối mở cho việc phát triển thương hiệu tập thể mà các nhà sản xuất và xuất khẩu cần nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Từ thực trạng vấn đề

Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp” của Chính phủ (do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai) đã tập trung vào những dự án tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu tập thể. Với nhóm hàng thủy sản, số lượng các dự án thương hiệu còn rất khiêm tốn. Một số thương hiệu tập thể: Nước mắm Phú Quốc (một thương hiệu tập thể gắn với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ), Nước mắm Phan Thiết (thương hiệu xây dựng theo chương trình 68), Cá tra Việt Nam (Top Quality of Pangasius from Vietnam)… còn rất mờ nhạt.

Thực tế, sự liên kết giữa các thành viên chưa mạnh nên tình trạng xâm phạm và chiếm dụng thương hiệu tập thể còn khá phổ biến và chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn. Hoạt động quản lý thị trường chưa mạnh tay đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng nhái, hàng giả có đất sống góp phần làm suy giảm hình ảnh thương hiệu tập thể của các sản phẩm.

Sản phẩm cá tra của Việt Nam, hiện đang có gần 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhưng khoảng ½ trong số đó không phải là thành viên của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Hiện cá tra Việt Nam có mặt tại 125 thị trường thế giới, nhưng thực tế phần lớn phải mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Vì thế mà người tiêu dùng ít biết đến các sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Cần những giải pháp

Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm thủy sản Việt Nam cần xây dựng những chiến lược lâu dài và thiết thực. Từ góc độ của quản trị thương hiệu, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trung tâm thương hiệu, ĐH Thương mại, cần phải tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Thực tế cho thấy sau việc WWF đưa cá tra vào “Sách đỏ” lại một lần nữa làm cho cá tra Việt Nam được nổi tiếng hơn. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra nói riêng và cho sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung.

Không chỉ vậy, Việt Nam cần xác lập tên thương hiệu để tiến hành nhanh chóng đăng ký tại các thị trường nhập khẩu. Việc chậm trễ có thể dẫn đến mất cơ hội đăng ký cho tên thương hiệu như trường hợp của Nước mắm Phú Quốc hoặc nhiều thương hiệu Việt Nam khác. Khi xây dựng thương hiệu tập thể, một vấn đề rất quan trọng là phải hình thành được một cơ chế quản lý và khai thác thương hiệu. Điều này không chỉ phụ thuộc vào vai trò của các thành viên chủ sở hữu thương hiệu tập thể mà rất cần sự tham gia của các địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo TS. Thịnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà trực tiếp là Cục Thủy sản cần đứng ra làm đầu mối để vận động và hỗ trợ xây dựng những quy định về quản lý và khai thác thương hiệu tập thể, kêu gọi những dự án tài trợ từ các nguồn khác nhau và triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học để nhanh chóng thiết lập và phát triển thương hiệu tập thể cho thủy sản Việt Nam.

Quan trọng hơn, Việt Nam phải quy định nghiêm ngặt và quản lý chặt chẽ việc quy hoạch vùng nuôi, xử lý nguồn giống chất lượng cao, sạch bệnh, quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Đã đến lúc các Hiệp hội, các địa phương và Chính phủ cần giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình thực hiện các hành vi gian lận, sử dụng các chế phẩm bị cấm trong nuôi và chế biến thủy sản.

Việc xây dựng thương hiệu tập thể ngành thủy sản đòi hỏi nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp và của cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Một thực tế rất đáng lưu tâm là các doanh nghiệp vẫn còn e ngại về sự lấn át của thương hiệu tập thể với thương hiệu riêng, vì vậy việc đẩy mạnh hoạt động này còn chưa thực sự rộng rãi. Cần có những biện pháp thiết thực tạo dựng uy tín và hình ảnh cho thương hiệu tâp thể thủy sản Việt Nam nhằm cạnh tranh bền vững trên thị trường thế giới.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.